May mắn hay không may mắn đây? Đôi khi tôi tự hỏi lại chính mình sao tôi luôn có những ký ức của một thời vẫn nằm đó loanh quanh bên tôi. Chúng không đợi , chúng chẳng chờ nhưng có dịp là bung ra để tôi yêu quay, yêu quắt quê hương tôi: thành phố Biển Quy Nhơn và cả những con người xứ Nẫu.
Mỗi lần nhìn những hình ảnh Quy Nhơn xưa cũ tôi luôn sống lại bầu không khí ngày ấy trong ngôi Chợ Lớn gần nhà và con đường Gía Long trải dài. Đi thẳng đường Hoàng Diệu từ nhà tôi rẽ trái hay phải đều là xóm Bạch Đằng nơi tôi duỗi rong vì ngôi trường Nhơn Phước của mẹ tôi nằm gần ngã ba Trần cao Vân- Bạch Đằng. Đầm Thị Nại ở sát đường Bạch Đằng là nơi cho bao gia đình sống bằng nghề biển và hầu hết đó là nơi tôi đã đến thăm các em và khuyên nhủ gia đình cho các em tiếp tục học. Vẫn con đường Gia Long đi thẳng là ngôi nhà thờ Nhọn, là Bệnh viện Thánh Gia, là ngôi trường Đào Duy Từ, và lại là khu vực biển dài như con sông Bạch Đằng không có điểm dừng.
Những năm đầu sau 75 tôi thích nhất một điểm mới trong đổi mới của giáo dục vào lúc đó, lúc mà tôi loay hoay gỡ từng mớ rối cho nhiều nút thắt trong nghề. Dù không bắt buộc tôi vẫn loay hoay gỡ những mối thắt đã có trong đầu các em tôi và chính nơi gia đình các em. Nhớ đôi chân tôi luôn là những bước chân dò dẫm tìm đến để nhìn cuộc sống của gia đình các em thuộc xóm Bạch Đằng và khu Cảng. Từng cái nhà nơi các em sống rất tạm bợ rất chông chênh như cái nghề gia truyền mà các em sống cùng biển lênh đênh trên sóng biển mưu sinh. Nhìn những ngôi nhà nơi các em sống thì đừng có mà mơ cho em một góc học tập như lý thuyết mà nhà trường cứ mãi nhồi nhét. Buộc chúng tôi phải đi đến để kiểm tra góc học tập mỗi em như thế nào? Quyển vở lăn lóc trong một góc nhà, quyển sách đọc vội đọc vàng rồi bỏ quên luôn trên giường. Đi học lúc đó các em chỉ là đi tạm cho ngày hôm nay nhưng chưa trả lời cho ngày mai có đi tiếp không?
Dau dáu bên lòng, chân tôi bước dò dẫm theo từng bậc đá đến loanh quanh các ngôi nhà xóm Biển, đứng cạnh ngôi nhà này cũng nghe rõ tiếng các em: “ Cô đến rồi chúng mầy ơi!” Mùi cá mặn, mùi mực khô, mùi của mắm, mùi của cát biển, cứ như thế xông vào mũi tôi. Lũ học trò biết tôi sẽ đến, chạy vội vào nhà nhặt từng quyển vở, ôm từng quyển sách dặt trên một cái bàn tương đối nhất trong nhà dùng để là bàn tiếp khách, bàn ăn và nay biến thành một bàn học. Cô không cần cái trò này đâu, lý thuyết thôi mà nhưng cô vẫn nhớ như in đôi mắt biết nói của các em đã cho cô biết em đang tạm gạt cô.
Yêu sao những tình cảm các em dành cho tôi có lẽ trước đó không có giáo viên nào đến gần các em như thế! Cha mẹ các em giương đôi mắt nhìn cô giáo trẻ vì làm sao ngờ cô giáo con họ lại đến và họ loay hoay tìm chỗ cho tôi ngồi. Tôi đã thấy rồi! chiếc đòn nhỏ gần chiếc lưới đang giăng, tôi ngồi rất tự nhiên giữa đám học sinh vây quanh vì lúc đó cùng lớp cũng cùng khu vực nơi cư ngụ luôn. Tôi thuở ấy một cô giáo giản dị không trang điểm, tóc cột gọn lai sau lưng nên chúng tôi như bạn bè cùng trang lứa. Có khác chăng chỉ vì cuộc sống của tôi không dạn dày như các em với làn da đen xạm vì gió biển. Chúng biết mời cô gì đây? : “ một ly nước chưa kịp đun sôi – các em luôn như thế uống trong gáo nước bên hiên nhà, một con mực khô- món nhậu của ba các em lai rai buổi chiều.”
Cô trò dùng chiếc que vẽ lại bài toán Hình Học trên đất và cùng tìm lời giải, bảng đâu có mà viết. Một vài phản ứng hoá học cân bằng trên nền cát mịn như chất xúc tác cho những tiếng cười cô trò cùng giòn tan như quên hết thế gian bên ngoài. Cứ thế các em quyến rũ tôi, để sau này thì ngược lại chúng không ngại sớt chia những bí mật giấu kín. Biển và nhà các em không hề phân biệt, chất biển mặn thấm vào các em nên các em luôn chơn chất thật thà để rồi các em muốn mang tất cả những gì trong nhà mà theo các em là ngon nhất để hậu đãi cô. Mỗi lần như thế tôi đều chết lặng trong lòng và chỉ cần thế thôi là
đủ các em à!
Biển với tôi và chắc nhiều người nghĩ biển thơ mộng và lãng mạn như hàng phi lao rì rầm, như hàng dừa đong đưa, như bãi cát vàng mịn, và cả màu xanh của Biển mênh mông. Nhưng Biển đó cũng là nơi phát sinh nguy hiểm cho những ai đối đầu với Biển tìm cách mưu sinh. Có lẽ vậy nên thời gian của dân chài khi sống trên đất liền là thời gian hạnh phúc nhất, bạn bè, nhậu nhẹt, họ quên đi đàn con đang sống bên cạnh. Cái chữ không còn cần thiết nữa chỉ tội cho một số em ham học và tôi nhìn đôi mắt các em để hiểu và thương cảm. Tương lai các em nằm trên các con thuyền mà những ngày không ra khơi nó sẽ là ngôi nhà nhỏ trên cát Biển.
Dần dần hình dáng của tôi đã quen nơi tôi đến, mọi người đều hiểu và có phần nao núng thay đổi ý để tìm một chút cho tương lai cho con em họ. Nói chuyện dễ dàng hơn và thân tình cứ thế … Tôi nhớ nhất là những bàn tay các em nắm lấy tay tôi đi quanh vách đá hiên nhà. Mỗi nhà ở là một độ cao khác nhau nên chúng sợ tôi một cô giáo chưa quen cực nhọc sẽ vấp ngả. Hạnh phúc với từng việc nhỏ tôi đã làm mà ngày đó mỗi lần giận các em điều gì tôi chỉ im lặng thôi là chúng nó xìu mặt lại rồi tìm cách xin lỗi. Món quà đầu tiên chúng tặng tôi trong ngày 20 tháng 11 là cô bé ngồi đàn thật xinh mà tôi nghĩ chúng chưa bao giờ có, món quà đó chúng nghĩ là hợp với tôi. Tôi thật bất ngờ và không muốn chúng nghĩ tôi như một cô giáo điệu đà khác xa chúng. Tôi đang khó nhọc tiến đến gần chúng hơn để tình cảm vừa chạm đến thì tôi và các em vội lìa xa sau một năm học.
Mãi mãi ký ức trong tôi là ký ức đẹp, không ai sống trên thế gian này mà không có ký ức. Chúng cứ như thôi thúc chúng ta đi tìm những hồn năm cũ nay về đâu và một chút nghẹn ngào khi tìm kiếm mãi không ra. Viết cũng là một cách nuôi dưỡng ký ức để chúng không thể mất. Và để tồn tại trên trái đất này tôi không thể đi trong cuộc đời mà đánh mất những ký ức này trong tôi.
“ Nơi em, em sống hàng ngày ở đâu?
Phải chăng bến cá nộc nằng mùi tanh?
Nắng xanh soi tỏa thềm nhà vách tre,
Se thêm giọt nắng loanh quanh vào đời.
Áo em bên cạnh hiên nhà đong đưa,
Vẫn là vết rách thấm mưa kéo dài.
Mùi cá cọng chút mùi bùn,
Thương em quen nắng với cùng gió mưa.
Vách nhà vài cột lưa thưa,
Trống toang trống hoác đung đưa gió vào.
Mặt trời luôn đến tìm em,
Cho em nhặt lấy và đem vào đời.”
Bài viết của cô Leana Doan
Nguồn ảnh: ông Thomas Edward Williams chụp Qui Nhơn từ máy bay năm 1966, chia sẻ bởi ông Khổng Xuân Hiền
Thông tin minh bạch nhất tại Bình Định
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Định được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
QuyNhon Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2023 QuyNhonReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!