Bảo tàng Quang Trung là di tích cho sự hào hùng của dân tộc, nơi ấn dấu cho chiến thắng vang dội của khởi nghĩa Tây Sơn và cũng là cuốn sách lịch sử ghi lại công ơn của vị anh hùng áo vải. Để tưởng nhớ những vị anh hùng Tây Sơn tam kiệt kiên cường, bất khuất nên người dân đã xây dựng nên bảo tàng tại chính nơi ba anh em cất tiếng khóc chào đời.
Bình Định xứ Nẫu được mệnh danh là “đất võ trời văn”, quê hương mà dù ta đi đâu về đâu vẫn tự hào về nền văn hóa mà ông cha ta đã bồi đắp xây dựng lên. Xứ Nẫu nơi mà làm con người ta say lòng bởi những kiến trúc cổ kính độc đáo của những ngọn tháp, nơi tạo hóa ban tặng sự trù phú cảnh thiên nhiên hay những đặc sản với hương vị khó quên.
Nếu một lần ghé thăm Bình Định hãy trải nghiệm những di tích lịch sử của bảo tàng Quang Trung. Tại đây bạn sẽ có dịp am hiểu nền ăn hóa và khám phá viện bảo tàng với những chiến công to lớn góp phần cho giải phóng dân tộc ta. Đây là một điểm đến nhận được nhiều sự thăm quan của du khách, tạo sự ấn tượng bởi quan cảnh và nguồn gốc hình thành.
Bài viết này của Quy Nhơn Review sẽ đưa độc giả khám phá và có cơ hội hiểu biết về cội nguồn lịch sử của bảo tàng Quang Trung.
Nhắc đến du lịch Quy Nhơn là chúng ta không thể bỏ qua bảo tàng Quang Trung một trong những điểm đến thu hút du khách nội địa lẫn ngoại địa. Du khách sẽ ngược thời gian sống cùng với chất thượng võ của vị anh hùng dân tộc và chìm đắm trong nét tinh hoa của kiến trúc tại đây,
Bảo tàng Quang Trung cách TP. Quy Nhơn hơn 45km ở làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định. Đây cũng là nơi sinh ra và lớn lên của Tây Sơn hào kiệt Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ. Bảo tàng được xây dựng vào năm 1958 với sự chung tay góp sức của nhân dân, điện hoàn thành vào năm 1960 với diện tích lên tới 2325m2 với kiến trúc cổ kính và phong thái trang nghiêm.
Nơi đây là nơi để thờ phượng các vị vua nhằm tỏ lòng biết ơn có công giúp nước có nghĩa với dân. Bên trong bảo tàng còn có cây me cổ thụ và giếng nước xưa với tuổi thọ hơn 250 năm. Truyền thuyết cho rằng, nếu uống nước giếng trước điện và cầu nguyện về những dự định trong tương lai hoặc những mong muốn vượt qua được bệnh tật thì lời nguyện cầu sẽ có được thành công. Năm 1979, cây me, giếng nước được vinh dự xếp hạng di tích của quốc gia.
Địa điểm: Khối 1, Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Bảo tàng Quang Trung – Bảo tàng tâm linh Hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay. Đây là một trong những địa điểm chính của Festival Tây Sơn – Bình Định 2008.
Rưng rưng bến sông, cây me, giếng nước Ai đến với Phú Phong, nhẹ bước trên cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn nổi tiếng để đến với Bảo tàng Quang Trung, cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn. Không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Quang Trung bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt.
Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày thành lập 1977. Bước chân của họ đã đi khắp đất nước, ra cả nước ngoài để tập hợp về đây tất cả những tư liệu hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung.
Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…Nhiều hiện vật trong số này được nhân dân Bình Định và nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ tặng lại bảo tàng, cũng có một số hiện vật đến thông qua đại sứ quán các nước bạn mà Bảo tàng nhờ cậy.
Tuy vậy, thật xúc động là khi ta được tận mắt di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông cuộn nước, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh – Thượng, mưu nghiệp lớn. Càng xúc động hơn là được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng nhà Nguyễn Huệ. Những ngụm nước như kéo gần lại hơn 200 năm lịch sử và ta như thấy Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở vừa từ Điện thờ bước ra, đến chia cùng ta gàu nước được kéo lên từ cái giếng đá ong thân thiết của họ.
Phía ngoài điện là bức tượng vua Quang Trung làm trung tâm đứng vĩ đại hiên ngang được các nghệ nhân điêu khắc tạo hình tỉ mỉ trên từng chi tiết. Bên trong khu bảo tàng có tất cả 9 phòng để trưng bày những hiện vật quý giá và những tư liệu trong thời kì phát triển phong trào Tây Sơn.
Phía bên trong là tượng thờ Quang Trung và các danh tướng gần kề với Vua tạo ra không gian ấm cúng và linh thiêng. Không gian của bảo tàng bao gồm: khu vực bảo tàng, điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên…
Nhìn từ phía bên ngoài du khách sẽ bị ấn tượng bởi những chiếc mái gạch đỏ cong mang dáng dấp như mái đình tạo ra nét cổ kính, cùng với những hàng cột khỏe khắn. Kiến trúc này được xây dựng theo chữ đinh thể hiện nét truyền thống, văn hóa cổ xưa sử dụng đá chẻ làm móng, còn mái lợp đỏ đúc bằng xi măng.
Vào bên trong điện thờ, có hai hàng cột to được chạm khắc hình rồng mây uốn lượn cuốn quanh rất tinh sảo và sắc nét. Họ còn tái hiện lại khung cảnh thời chiến bằng cách khắc lên tường những hình ảnh chiến tranh, cuộc sống lam lũ của nhân dân qua bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.
Thăm quan bảo tàng Quang Trung du khách được chiêm ngưỡm cấu trúc đặc biệt của nền kiến trúc cổ đại pha chút hiện đại của kiến trúc Châu Á tạo ra một không gian hài hòa, đặc trưng. Du khách sẽ được một lần thấm nhuần cái giá trị văn hóa tinh túy của dân tộc và tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân. Ngoài ra du khách còn được tận hưởng đặc sản nghệ thuật Bình Định và chứng kiến lại bộ chiến thắng Tây Sơn hào hùng.
Nhạc, võ, hai trong một Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung. Bởi vậy, nhà biểu diễn võ, nhạc và đội biểu diễn nhạc, võ đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung.
Các buổi biểu diễn nhạc, võ bao giờ cũng là một final bất ngờ và kỳ thú với du khách. Tại đấy, người ta sẽ khám phá ra ở cái xứ được gọi là đất võ trời văn này, nhạc và võ chỉ là một, trong nhạc có võ, võ cũng đầy chất nhạc, những người biểu diễn quyền cước, binh khí và kèn trống kia khó phân biệt ai là nghệ sĩ còn ai là võ sĩ. Chỉ có thể gọi họ bằng một cái tên: những nghệ sĩ–võ sĩ. Những người này đã giúp ta hiểu: võ thuật ở tầm cao và chiều sâu của nó, chính là văn hóa là nghệ thuật, và nghệ thuật, văn hóa có thể và cần phải song hành với võ công để lập nên những kỳ tích cho non sông, đất nước.
Mà hình như đó là di huấn từ cuộc đời 39 mùa xuân của người anh hùng kiêm tài văn võ Nguyễn Huệ, bậc đại trí, đại dũng, đại nhân trong lịch sử dân tộc. Chị Võ Thị Thuận, người nghệ sĩ từng làm rung động lòng người với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung và nhiều nơi trong và ngoài nước, là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn. Hiện chị Thuận cũng đã tìm được người kế nghiệp là Phan Thị Mai, năm nay vừa tuổi hai mươi. Thăm Bảo tàng Quang Trung cuối tháng 3.2008, tôi đã được xem Mai biểu diễn, tuy chưa uyển chuyển, vũ bão như chị Thuận nhưng cũng sôi động, hào khí lắm. Có thể nói, nếu không có Bảo tàng Quang Trung, rất có thể di sản trống trận Tây Sơn đã bị tuyệt tích. Mà đó là loại di sản có một không hai, theo như một nhạc sĩ nghiên cứu về loại nhạc độc đáo này thì nó hoàn toàn xứng đáng được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Dễ hiểu vì sao Bảo tàng Quang Trung là bảo tàng duy nhất ở nước ta có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong biên chế của mình, chuyên biểu diễn nhạc, võ.
Võ nhạc Tây Sơn hay còn gọi là trống trận Tây Sơn là nhạc võ kết hợp giữa võ thuật Bình định và tiếng trống vang dội của 12 bộ trống tượng trưng cho 12 con giáp. Đây không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật múa võ mà còn là lưu giữ lại nét độc đáo của giá trị lịch sử. Hồi trống vang lên âm thanh vang dội cả đất trời, như bùng lên khí thế thời chiến tái hiện lại khung cảnh hừng hực chống quân thù.
Được biết rằng võ nhạc Tây Sơn cũng chính là yếu tố quan trọng kích thích lửa hận thù kẻ địch của các chiến sĩ giúp họ có thêm hào khí anh hùng diệt trừ kẻ địch và mang lại thắng lợi to lớn của trận chiến Tây Sơn.
Bài nhạc võ này được phân chia thành 4 bài: bài luyện quân, bài xuất quân, bài công thành và bài khải hoàn, được trình bày liên tiếp không ngừng nghỉ. Các võ sĩ trình diễn điêu luyện, với động tác dứt khoát, uyên thâm, mạnh bạo. Võ thuật Bình Định được coi là sợi dây gắn kết giữa thời lẫy lừng của ông cha ta và thời bình. Nhạc trống gồm 3 phần: xuất quân, xung trận và khải hoàn. Với bộ trống gồm có: trống chiến, trống bản, trống cơm, trống chầu, trống quân, trống bồng được sắp xếp theo thứ tự lớn nhỏ chia thành 3 hàng.
Ngoài trình diễn nhạc võ Tây Sơn, thì du khách cũng được thưởng thức những bài quyền trong võ thuật Bình Định. Du khách sẽ cảm thấy nét võ Bình Định có sự đặc trưng đó cũng là lý do tại sao nhiều người tương truyền rằng Bình Định là cái nôi của lò võ.
Hầu hết các du khách đến đây họ đều rất háo hức và tò mò về những thước phim thời chiến. Bảo tàng Quang Trung sẽ là nơi chiếu bộ phim ngắn về khởi nghĩa phong trào Tây Sơn với sự dàn cảnh công phu, kỷ xảo bắt mắt hình ảnh âm thanh chất lượng. Với phòng chiếu 3D rộng rãi, thoáng mát có hơn 100 ghế ngồi cho du khách đến xem.
Bộ phim với thời lượng tầm 15-20 phút giúp người xem nắm bắt được toàn bộ cốt lõi nội dung của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Truyền đạt được nỗi khó khăn trong thời chiến và những lần đẫm máu của dân ta khi kiên cường giành lại sự độc lập dân tộc. Bộ phim cũng một phần gửi gắm cho những du khách là những người con của rồng cháu của tiên về một tinh thần yêu nước quyết liệt và tài năng lẫy lừng của ba anh em nhà hào kiệt.
Khu vực trưng bày những di vật lịch sử rộng gần 1.8000m2, với thiết kế phòng trưng bày hiện đại, khang trang du khách có thể thoải mái ngắm nhìn những cổ vật này tại bảo tàng. Nơi đây là sưu tầm những tư liệu gốc liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn.
Ngoài chiêm nghưỡm những hiện vật lịch sử, thì du khách còn được chứng kiến về cuộc đời và những chiến công to lớn của vị anh hùng sử thi qua những bức tranh được khắc họa lên tường. Đến khu vực này, du khách như đắm chìm vào khởi nghĩa Tây Sơn với những hình ảnh câu chữ được ghi chi tiếng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Bảo tàng Quang Trung sẽ là nơi hứa hẹn mang nhiều nhiều trải nghiệm thú vị và cung cấp cho những người ghé thăm tại đây một kiến thức lịch sử rõ ràng và chi tiết nhất.
Cho đến nay sự tích giếng nước và cây me cổ thụ vẫn là một thứ gì đó rất nổi tiếng mỗi khi ai ghé thăm bảo tàng Quang Trung. Giếng nước và cây me trăm năm được có từ đời của cụ Hồ Phi Thúc là thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn, gắn bó với ba anh em họ từ lúc thở còn thơ cho đến khi chiến thắng lẫy lừng vang danh khắp nơi.
Ban đầu giếng nước được xây bằng đá tổ ong, sâu khoảng 8m và có đường kính khoảng 0.9m. Sau này để bảo vệ giếng thì người dân đã xây dựng thành giếng và hàng rào để bảo vệ giếng. Theo như nhiều người kể rằng, hằng năm có những tháng trời khô hạn, các giếng trong làng đều khô hạn nhưng riêng cái giếng này thì nguồn nước vẫn dồi dào và nước rất trong.
Nhiều người dân tại đây họ thường lấy nước giếng này uống và rửa mặt với niềm tin là những điều may mắn sẽ đến với họ và sẽ hưởng phúc lộc của tổ tiên ban cho. Nhiều tin đồn cũng cho rằng điều này là chính xác và xảy ra phép nhiệm màu đối với họ khi uống nước tại đây.
Bên trái là hình ảnh cây me với tuổi thọ hơn 250 tuổi tỏa bóng mát và những nhánh cây xòe tỏa ra như lòng bàn tay. Cây cao hơn 24m với đường kính thân là 1.2m và đường kính gốc 3.9m tán lá che phủ cả một khu vườn làm bóng mát để nghỉ ngơi tại đây. Cây me này cũng được hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận di sản năm 2011.
Bảo tàng tâm linh, nơi thể hiện niềm tự hào dân tộc Bảo tàng Quang Trung chính thức thành lập năm 1977, cho đến nay đã 30 tuổi. Tuy vậy, tiền thân của nó, đền thờ Tây Sơn thì đã hơn 200 năm tuổi. Năm 1827, sau 25 năm nhà Tây Sơn sụp đổ và bị trả thù, truy quét hiểm ác, dai dẳng, bị tìm mọi cách bôi nhọ và xóa trắng mọi dấu tích, bất chấp sự cấm đoán hà khắc của nhà Nguyễn, trên nền nhà, vườn cũ của anh em Nguyễn Huệ, lúc ấy đã thành bãi đất hoang, người dân làng Kiên Mỹ âm thầm xây lên một ngôi đình để thờ ba anh em Tây Sơn mang tên “đền Kiên Mỹ”.
Từ đó, tại đây hàng năm diễn ra hai dịp lễ vào cuối tháng 11 và mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Đó là hai ngày trọng đại nhất của nhà Tây Sơn: ngày Quang Trung đăng quang trên núi Bân và ngày đại thắng Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Thanh. Người dân Kiên Mỹ đã phải che mắt nhà Nguyễn khi gọi đây là những ngày “cúng cơm mới”. Hai ngày lễ trọng tại đền Kiên Mỹ ấy kéo dài liên tục hơn trăm năm, không chỉ thu hút người Kiên Mỹ, Tây Sơn mà ngày càng có nhiều người thập phương tìm đến.
Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, ngôi đền ấy đã thành ngọn đuốc và những ngày lễ nhớ Tây Sơn tạm đứt đoạn. Đến những năm 1960, đền thờ Tây Sơn được tạo dựng trên nền đất cũ. Ngay lập tức, đây lại thành một điểm quy tụ bốn phương. Rất tự nhiên, hàng năm, cứ đúng vào ngày 5 tháng Giêng, ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, hàng vạn người lại hành hương về đây, cùng nhân dân Kiên Mỹ, Tây Sơn làm nên một lễ hội lớn tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Huệ, niềm tự hào lớn lao của mỗi con người Việt Nam dù ở bất cứ phương trời nào.
Có ai đó đã từng nói, người Pháp hằng hãnh diện về Napoleon Bonaparte, thiên tài quân sự đã chinh phục cả Âu Châu, làm rạng danh nước Pháp. Người Mỹ cũng rất tự hào khi có nhà chính trị thiên tài George Washington, vị tổng thống lỗi lạc đã đưa đất nước Hoa Kỳ đến bến vinh quang. Thì người Việt Nam càng có quyền tự hào về vua Quang Trung, người gồm có cả thiên tài quân sự Napoleon và thiên tài chính trị Washington và đã bách chiến bách thắng trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước vĩ đại của mình. Chưa có được một Khải hoàn môn hoành tráng tưởng niệm Napoleon như người Pháp đã dựng ở trung tâm Paris, sự hình thành đền thờ Tây Sơn 200 năm trước và Bảo tàng Quang Trung 30 năm gần đây là sự thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ, niềm tự hào lớn lao, không chỉ của người dân Bình Định mà còn của nhân dân cả nước với một con người Việt Nam tuyệt vời.
Đây chính là một bảo tàng tâm linh, bảo tàng của lòng người. Không có gì lạ khi trong 30 năm qua, Bào tàng này đã có những phát triển vượt bậc trong sự quan tâm chăm sóc, ủng hộ hết mình của Đảng, chính quyền, nhân dân Kiên Mỹ, Tây Sơn, Bình Định, thủ đô Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tỉnh Gia Lai tặng một ngôi nhà rông Bana, nhiều doanh nhân đã tài trợ xây tượng đài Quang Trung, tượng Tây Sơn tam kiệt và sáu văn thần, võ tướng thời Tây Sơn, phục chế và mua một số hiện vật quý…Bảo tàng đang ngày càng to đẹp, khang trang, hiện vật tư liệu ngày càng phong phú, các lễ hội Đống Đa mỗi năm ngày càng đông vui bội phần. Ý tưởng về một Festival Tây Sơn – Bình Định với chủ đề hội tụ và phát triển đã được hình thành trong suy tư của đồng chí Vũ Hoàng Hà, hiện là Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Định,
Chủ tịch UBND tỉnh, khi tham dự các lễ hội kỷ niệm đại thắng Đống Đa tại Bảo tàng… Đầu tháng 8 tới, Festival Tây Sơn – Bình Định 2008 mà người Bình Định chờ mong và dốc sức thực hiện sẽ được bắt đầu từ đây với lễ rước và dâng hương, dâng hoa vua Quang Trung và các anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn. Anh hoa và hào khí của Tây Sơn – Nguyễn Huệ lại sẽ tỏa sáng rực rỡ, tạo nên niềm tin lớn, sức mạnh lớn trong quyết tâm bứt phá, hội tụ và phát triển vì một tương lai giàu đẹp của quê hương.
Nguyễn Huệ đã từng nói cùng ta: không có gì là không thể…
Du lịch không chỉ là phút giây tận hưởng khoảng không gian mây trời nơi xứ lạ mà tuyệt vời hơn là học thêm những kiến thức mới, một bài học mới về lịch sử dân tộc ta. Đến với du lịch Bình Định sẽ mang đến du khách những con người xứ Nẫu thân thiện,hòa đồng. Là nơi để du khách có dịp hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của vùng đất anh hùng. Hy vọng sau bài viết này của Quy Nhơn Review sẽ giúp những độc giả đặc biệt là những vị khách muốn du lịch trải nghiệm tại vùng đất Bình Định thanh bình này sẽ thêm một điểm đến lý tưởng không nên bỏ qua.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin minh bạch nhất tại Bình Định
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Định được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
QuyNhon Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2023 QuyNhonReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!