Bất kỳ ai có dịp đến với vùng đất Quy Nhơn thì đều dễ dàng nhìn thấy một tượng đài ở phía xa xa bờ biển trung tâm của Quy Nhơn. Đó chính là tượng đài Trần Hưng Đạo, một địa điểm mà chúng ta sẽ cùng nhau thông tin chi tiết ở nội dung dưới đây.
Nhắc đến Hải Minh, điều đầu tiên nhiều người sẽ nhớ là tượng đài anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tượng đài cao khoảng 40 m, được xây dựng từ năm 1973 và ngay từ đó đã trở thành biểu tượng của Hải Minh (bán đảo Phương Mai), nơi giao duyên hữu tình giữa đất- biển- trời, được nhiều người tìm đến chiêm bái.
Theo tài liệu của tác giả Trần Đình Thái thì tượng được khởi xây ngày 16 tháng Bảy năm 1971 và hoàn tất giữa năm 1972. (Tuy nhiên có 1 tài liệu khác cho rằng Tượng được khởi công xây dựng năm 1972, hoàn thành năm 1973, do kiến trúc sư Đàm Quang Việt thiết lập đồ án và điêu khắc, Giám đốc công trường Mai Trọng Truật trợ giúp thi công.)
Tượng được xây trên khuôn viên 18 x 24m nằm trên một đỉnh núi đảo Hải Minh, chính nơi này khi xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn mà xung quanh vẫn còn sót lại dấu vết thành xưa bằng đá ong, một loại đá mà vùng này không có. Đá ong kết dính với vôi trắng phau cứng như thép.
Đế tượng cao 5 mét ở giữa trống có cửa vào và một chiếc thang để bắt lên trên trèo vào sân thượng. Đế tượng được trang trí bằng 4 bức phù điêu mô tả những sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông. Phù điêu chính diện khắc họa hình ảnh Trần Hưng Đạo chỉ huy ba quân trên mũi thuyền trong trận Bạch Đằng Giang. Những phù điêu khác mô tả cảnh Trần Bình Trọng anh dũng trước kẻ thù và hội nghị Diên Hồng với khí thế “Quyết đánh”.
Tượng đo từ chân lên cao được 11.3 mét nặng 60 tấn. Riêng cánh tay chỉ về phương Bắc nặng 10 tấn.
Nguồn ảnh: Fb Kiều Thư (Ảnh chụp khoảng năm 1972)
Người dân TP Quy Nhơn, đặc biệt là người dân ở làng chài Hải Minh xem tượng đài Trần Hưng Đạo rất linh thiêng. Nhiều người không gọi tên tuổi cụ thể của người anh hùng dân tộc này mà chỉ tôn kính gọi là tượng Đức Ông hay tượng Đức Thánh Trần.
“Người dân tin bao nhiêu cơn bão mạnh từ biển Đông ập vào nhưng TP Quy Nhơn ít bị thiệt hại hơn những nơi khác là nhờ có Đức Thánh Trần che chở, đẩy gió đi hướng khác.
Những tàu thuyền của ngư dân xuất phát từ đầm Thị Nại hay Cảng cá Quy Nhơn ra khơi đánh bắt thường hướng lên tượng Đức Thánh Trần khấn vái, cầu xin được bảo hộ. Còn du khách thập phương thì khắp 4 mùa mỗi khi qua làng chài Hải Minh du lịch đều lên dâng hương, dâng hoa lên tượng Đức Thánh Trần”
Nhân dân Quy Nhơn luôn kính trọng và tưởng nhớ Đức Thánh Trần qua lễ giỗ hàng năm. Vào sáng ngày 22/9 (tức 20/8 âm lịch), UBND TP Quy Nhơn đã tổ chức lễ tưởng niệm 724 năm Ngày húy kỵ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tại đền thờ Đức Thánh Trần trên đường Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại. Người dân nơi đây tin rằng Đức Thánh Trần đã che chở, ngăn chặn bão giông và mang lại bình yên cho thành phố biển này.
Tượng đài Đức Thánh Trần tại làng biển Hải Minh là biểu tượng văn hóa, tâm linh đặc biệt của người dân Quy Nhơn. Lễ giỗ diễn ra trang trọng với nghi thức cổ truyền như thiết án, yết cáo, dâng hương, cùng với phần hội gồm múa lân, múa lục cúng. Buổi lễ không chỉ ôn lại công đức to lớn của Đức Thánh Trần mà còn là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn với người anh hùng đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc.
Người dân tin rằng Đức Thánh Trần không chỉ là anh hùng dân tộc mà còn là vị thánh thiêng liêng, luôn hiện hữu để bảo vệ cuộc sống bình yên và no ấm của nhân dân.
Để đến tượng đài, chúng ta xuống bến Hàm Tử (phường Hải Cảng), gửi xe và lên đò ngang qua đầm Thị Nại sang bên Hải Minh. Xuất phát từ bến Hàm Tử để sang một nơi có thể vọng tưởng đến Đức Thánh Trần cũng hay lắm chứ.
Gần như ai đến đây cũng được người dân ở làng mời và nhiệt tình chỉ đường lên thăm tượng đài. Từ chân núi, men theo một con dốc thoai thoải khoảng 500m, bạn sẽ đến được khu vực tượng đài, nằm trên mỏm đồi cuối cùng của bán đảo Phương Mai.
Bạn cũng có thể leo cầu thang dẫn lên trên phần bệ đài (cửa chỉ mở vào một số dịp lễ tết). Đứng ở đây, du khách có thể đứng dang hai tay đo độ rộng vòng chân của tượng; đồng thời đón những cơn gió lồng lộng xung quanh và thỏa tầm mắt ngắm toàn cảnh biển trời Quy Nhơn.
Sự hùng vĩ của thiên nhiên biển cả, tấm lòng kiên trung dốc lòng một đời vì đất nước của Đức Thánh Trần khiến nhiều người thấy thôi thúc trong lòng để phải làm một cái gì đó có ích cho quê hương.
Người Hải Minh nói rằng: “Lên đây thì phải leo lên bệ đài, dang hai tay ôm vòng chân của ông và ngắm trời đất Quy Nhơn thì mới gọi là đã lên tượng Trần Hưng Đạo!”
Cũng như bao người con nước Việt, người dân Quy Nhơn bao đời nay vẫn luôn tự hào, tưởng nhớ, biết ơn công đức to lớn của Trần Hưng Đạo. Tượng đài Đức thánh Trần có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa của người dân Quy Nhơn. Người dân ở đây tin rằng Đức thánh Trần chỉ tay ra biển, ngăn chặn bão giông, che chở, phù hộ cho thành phố được bình yên, phát triển. Như một ngọn hải đăng, tượng đài còn là nơi hướng đến của lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, tri ân tiền nhân trong lòng mỗi người dân phố biển.
Đến Quy Nhơn, sẽ là một thiếu sót nếu chưa sang bán đảo Phương Mai viếng thăm tượng đài Đại vương Trần Hưng Đạo, một địa danh văn hóa, tâm linh nổi tiếng của thành phố. Viếng tượng, nhớ về những chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần và công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương để thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, để thấy mình có trách nhiệm hơn với Tổ quốc hôm nay.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin minh bạch nhất tại Bình Định
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Định được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
QuyNhon Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2023 QuyNhonReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!