Ngày 26/1/2011, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 323 xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử địa điểm lưu niệm. Di tích nằm tại địa điểm : Quốc lộ 1A, phường Hoài Thanh Tây, Thị Xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định
Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương (Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn) là một mốc son chói lọi, một hồi chuông thức tỉnh quần chúng đi theo tiếng gọi của Ðảng để chống lại ách đô hộ của thực dân và bọn tay sai phong kiến; thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, tạo ra thế và lực cho các cao trào cách mạng ở Hoài Nhơn sau này.
Ngày 20.7.1931, tại Dĩnh Thạnh (Tam Quan), Đảng bộ Hoài Nhơn họp bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình vũ trang toàn huyện nhằm biểu dương lực lượng chống lại sự khủng bố đàn áp, buộc bọn cầm quyền phải chấp nhận yêu sách của quần chúng và tỏ tình đoàn kết với Xô Viết – Nghệ Tĩnh.
Từ 5 giờ chiều 22.7, cuộc biểu tình bắt đầu. Đoàn biểu tình được tổ chức thành nhiều cánh, xuất phát từ các hướng khác nhau rồi tiến về hợp điểm tại Tài Lương, sau đó tiến về phủ đường Bồng Sơn để đấu tranh. Để bảo vệ đoàn biểu tình, tự vệ đỏ chốt tại đèo Bình Đê chặn địch từ Quảng Ngãi vào và chốt tại km số 6 chặn địch từ Bồng Sơn ra.
Cánh thứ nhất gồm nhân dân các làng Cửu Lợi, An Thái, Tăng Long, Đại Hóa, Trung Trinh, Bình Ninh… tập trung tại cầu Ông Rãi (An Thái, Tam Quan) có tổ tự vệ đỏ bảo vệ. Khi tiến đến quán Ông Chư (Phụng Du, Hoài Hảo) thì chạm mặt đội lính khố xanh. Chúng chặn đường biểu tình và ra lệnh giải tán, đồng thời nổ súng uy hiếp quần chúng. Bất chấp sự đe dọa, đoàn biểu tình vẫn hiên ngang tiến lên, hô vang khẩu hiệu “Phản đối bắn giết nhân dân Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi!”… Địch hoảng sợ bắn xối xả vào đoàn biểu tình, một số đảng viên, người dân hy sinh và bị thương nặng. Đoàn biểu tình với khí thế sục sôi tiếp tục tiến về phía trước, hướng thẳng về Tài Lương.
Cánh thứ hai gồm nhân dân các làng Chương Hòa, Dĩnh Thạnh, Huân Công, Lộc An, Hảo Thiện, Trường Xuân, Quy Thuận… Trong cánh này có bộ phận nhân dân thuộc các làng Tam Quan Bắc, từ Tam Quan tiến ra Chương Hòa để hợp điểm với nhân dân các làng thuộc Hoài Châu Bắc. Khí thế bừng bừng của đoàn biểu tình làm cho lý trưởng các làng Hảo Thiện, Dĩnh Thạnh, Lộc An, Huân Công hoảng sợ chạy trốn.
Cánh thứ ba có lực lượng đông nhất, gồm nhân dân các làng Hy Tường, Hy Văn, Hy Thế, Châu Đê, Quy Thuận, An Sơn, Thành Sơn… hợp điểm gần đập Bà Quyến (Hoài Châu Bắc) rồi tiến theo đường hàng tổng vào Chợ Cát (Hoài Hảo) để đến Tài Lương. Khi tiến qua các làng thì nhân dân Hoài Phú, Hoài Hảo gia nhập đoàn biểu tình. Dọc đường quần chúng đốt trụi các điếm canh, chòi gác của địch.
Một cánh khác gồm nhân dân các làng Tài Lương, Ngọc An (Hoài Thanh Tây), Trường Lâm (Hoài Thanh) cũng tổ chức thành đội ngũ kéo đến địa điểm tập trung.
Toàn đoàn biểu tình hơn 3.000 người khí thế rầm rộ, trống thúc liên hồi, đuốc sáng rực trời; tiến đến đâu đều trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điếm canh dọc đường. Tổ tự vệ đỏ đốt cháy một xe ô tô của đồn Bồng Sơn tại km số 6 Tài Lương; bắt chánh tổng An Sơn trên đường chạy về Bồng Sơn trình báo… Trước sức áp đảo của đoàn biểu tình, bọn lý hương bỏ trốn.
Khoảng 1 giờ 30 phút sáng ngày 23.7.1931, đoàn biểu tình tiến đến Cây số 7 ở Tài Lương thì bị binh lính địch chặn lại. Gặp lực lượng địch mạnh, đoàn biểu tình không nao núng, siết chặt đội ngũ, kiên quyết tiến lên. Lập tức binh lính địch xông vào đoàn biểu tình để giật cờ, băng rôn, xả súng và buộc đoàn biểu tình giải tán. Nhiều đồng chí, quần chúng nhân dân hy sinh và nhiều quần chúng bị thương.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hoài Nhơn
Sau vụ đàn áp cuộc biểu tình tại Cây số 7 Tài Lương, những ngày tiếp theo, địch mở rộng cuộc khủng bố ra toàn huyện Hoài Nhơn. Chúng lập thêm hàng loạt đồn binh ở các vùng xung yếu để khống chế khu vực Tam Quan, Tài Lương, Phụng Du, Quy Thuận, An Đỗ… và điều động thêm một số đơn vị lính khố xanh, khố đỏ từ các nơi về tăng cường lực lượng cho phủ Hoài Nhơn.
Cuộc biểu tình vũ trang đêm 22 rạng ngày 23.7.1931 là trận đấu tranh đầu tiên, làm rung chuyển bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến ở Hoài Nhơn. Cuộc biểu tình tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đã khẳng định được sự lớn mạnh của tổ chức Đảng, cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hoài Nhơn khi triển khai thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ. Có thể nói, nếu như cao trào 1930 – 1931 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cả nước thì phong trào đấu tranh, giai đoạn này, ở Hoài Nhơn nói chung và Tài Lương nói riêng, là một bằng chứng sinh động cho vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hoài Nhơn trong thực tiễn.
Vai trò to lớn ấy tiếp tục được thể hiện rõ trong suốt tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng XHCN cùng sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên quê hương Hoài Nhơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện (nay là thị xã), quân và dân Hoài Nhơn đã cần cù, sáng tạo, trung dũng, kiên cường góp phần cùng Bình Định nói riêng, cả nước nói chung thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng trong mọi thời kỳ, giai đoạn lịch sử, từ năm 1931 đến nay.
Ngày 26.1.2011, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia cho Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Kỷ niệm 85 năm sự kiện đặc biệt này, Hội thảo khoa học về cuộc biểu tình đã được tổ chức ngày 23.7.2016, đưa ra nhiều góc nhìn, cách đánh giá toàn diện, chính xác.
Và để sự kiện trọng đại này sống mãi cùng thời gian, công trình Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương đã được xây dựng ở phường Hoài Thanh Tây với diện tích công trình theo quy hoạch gần 25.500 m2, tổng mức đầu tư hơn 41,5 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng gồm nhà quản lý, đón tiếp khách; nhà tưởng niệm; tường rào, cổng ngõ; tấm bia ghi lịch sử khu di tích; cột cờ Tổ quốc và cờ Đảng; chòi nghỉ…
Bí thư Thị ủy – Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương rất tâm đắc với công trình này. Bởi, giữ gìn, phát huy văn hóa lịch sử là nền tảng quan trọng đối với bất cứ địa phương nào trong quá trình phát triển KT-XH. Còn Bí thư Đảng ủy phường Hoài Thanh Tây Nguyễn Văn Phượng thì tin tưởng: “Di tích sau khi đi vào hoạt động sẽ là một “địa chỉ đỏ”, là nơi giáo dục truyền thống hữu hiệu cho thế hệ trẻ”.
Bên cạnh các hạng mục xây dựng cơ bản đang ở giai đoạn hoàn thiện, Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn đang tích cực sưu tầm thêm hiện vật, lên phương án tổ chức trưng bày. Phó Giám đốc Trung tâm Hồ Khắc Cầu đã trực tiếp đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh để nghiên cứu, tham khảo cách thức trưng bày.
“Không chỉ phản ánh trung thực diễn biến lịch sử của cuộc biểu tình thông qua sa bàn minh họa, kết quả ý nghĩa cuộc biểu tình thông qua tư liệu, hiện vật gốc, tài liệu khoa học đã được công nhận, nội dung trưng bày còn gắn với truyền thống của TX Hoài Nhơn, các điểm du lịch văn hóa – lịch sử trên địa bàn… Hình thức trưng bày vừa mang tính dân tộc, vừa hiện đại, sinh động hấp dẫn, đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung và mỹ thuật”, ông Cầu cho hay.
VỊ TRÍ ĐỊA ĐIỂM
Có thể bạn quan tâm
Thông tin minh bạch nhất tại Bình Định
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Định được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
QuyNhon Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2023 QuyNhonReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!