Những ai là người con của Bình Định chắc đã một lần nghe đến Làng phong Quy Hoà, nơi gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi làng không chỉ là nơi nhà thơ yên nghỉ mà trong đó còn có nhiều câu chuyện gắn liền với lịch sử, văn hóa, con người của một thời kỳ đã qua.
Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về phía Nam, Làng phong Quy Hoà thuộc phường Ghềnh Ráng từ lâu đã được nhiều người biết đến là địa điểm du lịch độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử một thời. Được bao bọc bởi núi Xuân Vân và biển Quy Hòa, những ai đặt chân đến nơi đây đều cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên xanh mát, tạo cảm giác yên bình, thư thái.
Làng phong Quy Hoà đã có lịch sử hình thành từ năm 1929, khi một vị linh mục người pháp là Paul André Maheu phát hiện ra vẻ đẹp yên bình, vắng lặng hiếm có của vùng đất này. Thời điểm đó ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên là Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Từ đó nơi đây đã trở thành mái ấm chung cho những bệnh nhân mắc bệnh phong và gia đình của họ.
Với vẻ đẹp yên bình, mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, Làng phong Quy Hoà đến nay đã trở thành điểm đến được nhiều người ưa thích. Cùng định hướng phát triển của phương Ghềnh Ráng, nơi đây đã dần trở thành điểm đến du lịch văn hóa được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.
Không chỉ có quan cảnh yên bình, Làng phong Quy Hoà còn thu hút với nhiều kiến trúc độc đáo, thể hiện tín ngưỡng tôn giáo và sự sáng tạo của người dân sống tại đây.
Kiến trúc sư Sơ Ozithe thời đó sau thời gian trải qua cơn bão năm 1933 đã tiến hành giám sát việc quy hoạch, xây dựng lại khu vực này. Sơ đã vô cùng khéo léo trong việc cân nhắc giữa những nhu cầu của bệnh nhân và gia đình với lối kiến trúc khí hậu nhiệt đới đặc trưng của Vùng biển Miền Trung.
Nhiều người thời đó, đặc biệt là bệnh nhân đều được tự do đưa ra ý tưởng với ngôi nhà của mình. Nhiều người còn tự tay thiết kế họa tiết gạch, tạo nên những kiến trúc tổng thể sáng tạo và vô cùng thú vị.
Kiến trúc chung tại Làng phong Quy Hoà còn chú trọng đến nhu cầu y tế đặc biệt của bệnh nhân. Sàn Nhà luôn được lát gạch chắc chắn, cầu thang có ít bậc, lối đi rộng rãi và không có hàng rào,… Tất cả đều nhằm hỗ trợ những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc di chuyển.
Ngoài ra, khu vực còn được trang bị ghế ngồi, bóng cây và công viên nhỏ, tạo không gian sinh hoạt thoải mái cho cư dân. Trong khuôn viên làng còn có sự hiện diện của các biểu tượng tôn giáo như tượng Chúa Giêsu, Đức mẹ Maria và các vị thánh chúng.
Xem thêm thông tin về: Chùa Bà Nước Mặn: Di tích kiến trúc tôn giáo lâu đời tại Bình Định
Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 được nhiều người biết đến với sự tài hoa nhưng bạc mệnh nhất của nền Văn Học Việt Nam. Cuộc đời của ông gắn liền với căn bệnh phong và ông đã sống những năm tháng cuối đời tại Làng phong Quy Hoà.
Năm 1936, khi mới 24 tuổi, Hàn Mặc Tử được phát hiện mắc bệnh phong, đây được xem là căn bệnh nan y khó chữa thời bấy giờ. Căn bệnh bắt đầu với những đốm hồng nhạt trên da, ban đầu tưởng là dị ứng nhưng đần lan rộng và đỏ tấy lên. Sau khi được chẩn đoán, gia đình đã đưa ông chạy trốn ở nhiều nơi, từ Bồng Sơn đến Gò Bồi rồi Quy Nhơn, trước khi đưa vào Làng phong Quy Hoà để chữa trị.
Tại Quy Hòa, Hàn Mặc Tử đã sống những năm tháng cuối đời trong im lặng và ẩn dật, không ai biết ông là một nhà thơ. Ông luôn giấu đi tài năng và học vấn của mình, kể cả khả năng thông thạo tiếng Pháp.
Chỉ sau khi ông qua đời, khi lục lại đồ đạc người ta mới phát hiện ra bài văn viết bằng tiếng Pháp có tên “La pureté de I’âme” (Sự trong sạch của tâm hồn) và lúc đó cả làng mới biết về danh tính thực sự của ông.
Mặc dù sống trong sự cô độc, những năm tháng ở Làng phong Quy Hoà lại là thời kỳ ông sáng tác những vần thơ hay nhất. Nhiều người còn cho rằng tập “Thơ Điên” nổi tiếng của ông có lẽ đã không ra đời nếu không có những ngày cuối ở Quy Hòa.
Ông mất vào đêm 11/11/1940 khi chỉ ở độ tuổi 28, nguyên nhân vì bệnh kiết lỵ và tác dụng phụ của thuốc. Đám tang của ông diễn ra lặng lẽ với 4 – 5 người và cha xứ tham dự. Đồ đạc để lại chỉ có vài bộ quần áo cũ, một đôi giày rách, một cái gối nhỏ, một cuốn sách tiếng Pháp và bài văn viết bằng bút chì.
Câu chuyện về Hàn Mặc Tử tại Làng phong Quy Hoà là một sức mạnh của nghệ thuật vượt qua nghịch cảnh. Dù phải trải qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần ông vấn để lại cho đời sau những vần thơ bất hủ, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam hiện đại.
Những sáng tác thơ của Hàn Mặc Tử còn mang đến nguồn động viên tinh thần to lớn cho người dân trong làng phong. Sự thành công và nổi tiếng của ông đã trở thành niềm tự hào chung, khích lệ nhiều người vượt qua định kiến và hạn chế của bản thân để đối mặt với nỗi đau một cách can đảm hơn.
Đến với Làng phong Quy Hoà, mọi người sẽ được chiêm ngường khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời với bờ biển dài, cát trắng mịn và hàng thông xanh ngát. Sóng biển rì rào nhẹ nhàng như những khúc nhạc, hòa quyện cùng tiếng gió đã tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng. Chính cảnh sắc này đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những vần thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Dọc theo bờ biển, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những bức tượng danh nhân và những tấm bia đá khắc ghi cuộc đời, sự nghiệp của các bậc vĩ nhân. Đây được xem như một bảo tàng ngoài trời giúp mọi người hiểu thêm về giá trị lịch sử và văn hóa của đất nước. Không gian trang nghiêm, cổ kính còn tạo cảm giác như đang lạc vào thế giới khác, nơi quá khứ và hiện đại giao hòa.
Trung tâm của Làng phong Quy Hoà là khu tưởng niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tại đây, cuộc đời và sự nghiệp của ông được tái hiện một cách sinh động qua bức tranh, những bài thơ được khắc bằng bút lửa trên gỗ.
Du khách có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng như “Đây Thôn Vỹ Dạ”, ” Mơ dưới hoa”, hay ” Đêm nay Bình Định về sương”,… Một nơi thờ để tưởng nhớ và là nơi du khách có thể thắp nén hương tỏ lòng thành kính.
Đi sâu vào làng, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống thường nhật của cộng đồng người bệnh phong và gia đình của họ. Những con đường nhỏ quanh co dẫn lối đến các khu dân cư, nơi vẫn diễn ra những sinh hoạt đời thường với chợ, quán xá. Người dân nơi đây nổi tiếng hiếu khách, sẵn sàng chỉ dẫn và chia sẻ với du khách những câu chuyện thú vị về cuộc sống của làng.
Mỗi góc phố, mỗi con đường nơi đây đều mang dấu ấn một thời, nơi những vần thơ, những con người được biết đến. Đến với Làng phong Quy Hoà du khách chắc chắn sẽ mê đắm bởi cảnh sắc vẻ đẹp thiên nhiên, hòa mình vào không gian xưa cũ đặc biệt, nơi có nhà thơ nổi tiếng đã sống qua thời kỳ lịch sử kỳ diệu.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin minh bạch nhất tại Bình Định
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Định được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
QuyNhon Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2023 QuyNhonReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!